Trận Tulagi Trận_Tulagi_và_Gavutu–Tanambogo

Vào lúc 8 giờ sáng, hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, bao gồm Tiểu đoàn Biệt kích 1 do Trung tá Merritt A. Edson (Edson's Raiders), và Tiểu đoàn 2 Thủy quân Lục chiến 5 (2/5) đổ bộ lên bờ biển phía tây đảo Tulagi khoảng một dặm giữa hai đầu của hòn đảo hình thon hai đầu mà không gặp sự chống trả nào.[21] Bãi san hô gần bờ biển đã khiến cho các phương tiện đổ bộ không thể tiếp cận được bờ biển. Tuy nhiên, Thủy quân Lục chiến vẫn có thể tiến thêm khoảng 100 mét mà không bị cản trở từ quân Nhật, vốn đã bị bất ngờ trước cuộc đổ bộ và đang vội vàng chuẩn bị chống trả. Cùng thời điểm này, lực lượng Nhật tại Tulagi và Gavutu, một biệt đội thuộc Lực lượng Đổ bộ Đặc Biệt Hải quân với một số thành viên của Nhóm bay Yokohama, chỉ huy bởi Đại úy Shigetoshi Miyazaki, đã thông tin cho chỉ huy của họ tại Rabaul, Đại úy Sadayoshi Yamada, rằng họ đang bị tấn công, mất dần các khí tài và tài liệu, cuối tin nhắn họ đã viết, "sức mạnh của kẻ thù đang lấn át chúng ta, chúng ta sẽ bảo vệ hòn đảo cho đến người cuối cùng." Masaaki Suzuki, chỉ huy của biệt đội, ra lệnh cho binh lính của ông vào các vị trí phòng thủ tại Tulagi và Gavutu.[22]

Lược đồ vẽ trên bức ảnh chụp từ trên không đảo Tulagi cho thấy đường tiến quân của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại cực đông nam của đảo và trung tâm phòng thủ của Nhật quanh Đồi 281.

Thủy quân Lục chiến thuộc Tiểu đội 2 làm chủ cực tây bắc của đảo Tulagi mà không bị kháng cự, sau đó nhóm này gia nhập vào Biệt đội của Edson cùng tiến với họ về phía cự đông nam đảo. Họ hành quân suốt ngày hôm đó và tiêu diệt một vài ổ kháng cự cô lập của Nhật. Vào lúc trăng tròn, Suzuki tái bố trí hệ thống phòng thủ chính của ông theo một đường thẳng trên ngọn đồi ở tọa độ 9°6′26″N 160°8′56″Đ / 9,10722°N 160,14889°Đ / -9.10722; 160.14889 (Hill 281) được gọi là Đồi 281 (Đồi 280 theo một số nguồn) theo phía Hoa Kỳ do độ cao của nơi này — và một khe núi gần đó tọa lạc ở cực đông nam đảo. Hệ thống phòng thủ của Nhật bao gồm vô số các hang động nối với nhau bằng các đường hầm được đào vào trong các vách núi đá vôi, trong đó đặt các ụ súng máy có bao cát bảo vệ. Thủy quân Lục chiến tiếp cận được hệ thống này vào lúc trời nhá nhem tối, họ nhận thấy rằng ánh sáng mặt trời không đủ để tiến hành một cuộc tấn công tổng lực và quyết định đào các hố cá nhân chờ qua đêm.[23]Trong đêm đó, quân Nhật mở 5 cuộc tấn công về phía Thủy quân Lục chiến, bắt đầu vào lúc 22 giờ 30 phút.[24] Các cuộc tấn công đánh vào mặt chính diện bằng những binh lính đơn lẻ hay từng nhóm nhỏ nhằm nỗ lực thọc sâu thâm nhập vào chỗ chỉ huy của Edson, kết quả là dẫn đến các cuộc cận chiến xáp lá cà giữa lính Nhật và Thủy quân Lục chiến. Tuy nhiên, quân Nhật chỉ chọc thủng chiến tuyến của Thủy quân Lục chiến trong một thời gian ngắn và chiếm được một khẩu súng máy, rồi họ nhanh chóng bị đẩy lùi. Sau khi chịu một vài tổn thất nhỏ, chiến tuyến của Thủy quân Lục chiến vẫn được giữ vững trong suốt đêm. Ngược lại về phía Nhật lại chịu tổn thất nặng sau cuộc tấn công. Trong đêm đó, người lính Edward H. Ahrens đã giết chết 13 lính Nhật tấn công vị trí của anh ta trước khi hi sinh.[25] Miêu tả về các cuộc tấn công của quân Nhật diễn ra trong đêm, biệt kích Thủy quân Lục chiến Pete Sparacino đã nói:

"...khi bóng đêm đã bao trùm. Phía trước chiến tuyến bỗng xuất hiện sự di động...bạn có thể nghe thấy họ đang nói liên thuyên. Sau đó, kẻ thù phát hiện ra một lỗ hổng trong chiến tuyến và bắt đầu vượt qua vị trí này. Lỗ hổng được chặn lại khi một nhóm lính được giao trách nhiệm đóng cửa lại. Một số lính Nhật khi đó đã bò sâu bên trong vị trí đội của Guidone 20 yard. Frank bắt đầu ném lựu đạn trong tư thế nằm úp. Các quả lựu đạn ném ra xa 15 yard và chúng tôi phải cúi nhanh xuống khi nó phát nổ. Tình thế thật hiểm nghèo, quân Nhật tràn ngập khắp nơi. Chúng tôi đã phải rất cẩn thận để không bắn nhầm vào đồng đội của mình. Tất cả chúng tôi đều đã mệt nhoài nhưng vẫn phải đứng dậy chiến đấu hay là chịu cái chết."[26]

Buổi sáng ngày 8 tháng 8, sáu lính Nhật sau xâm nhập vào đêm trước đó ẩn núp trong cổng tổng hành dinh thuộc địa Anh cũ đã bắn và giết chết ba lính Thủy quân Lục chiến. Trong vòng 5 phút sau, các lính Thủy quân Lục chiến đã tiêu diệt nhóm lính này bằng lựu đạn. Qua buổi sáng, sau khi được tăng viện thêm Tiểu đoàn 2 Thủy quân Lục chiến 2, các lính Thủy quân Lục chiến bao vây Đồi 281 và khe núi, sử dụng súng cối át chế quân Nhật trong suốt buổi sáng, rồi sau đó tấn công lên hai vị trí này. Họ sử dụng bom tự chế để tiêu diệt các lính Nhật phòng thủ trong những hang động và các vị trí thuận lợi nằm xuyên suốt ngọn đồi và khe núi.[27] Lần lượt các công sự Nhật bị loại bỏ bằng cách sử dụng bom tự chế. Kết quả là sức chống trả của quân Nhật bị dập tắt vào buổi chiều cùng ngày, mặc dù một vài người xâm nhập bị phát hiện và tiêu diệt vài ngày sau đó.[28] Trong trận Tulagi, 307 lính Nhật và 45 lính Hoa Kỳ bị chết. Ba lính Nhật bị bắt làm tù binh.[29]

Liên quan